Hoa Đào

Monday, April 09, 2007

Vì sao hoa anh đào được xem là quốc hoa Nhật Bản


Vì sao hoa anh đào được xem là quốc hoa Nhật Bản

Sakura và hanami (lễ hội ngắm hoa anh đào) được nhắc tới thường xuyên trong văn học Nhật Bản, cả cổ đại và hiện đại, từ thơ ca cho đến kịch Kabuki, các nghệ sỹ cũng thường thấy cảm hứng từ hoa anh đào, chẳng hạn hình tượng này được thể hiện rất nhiều trong tranh khắc gỗ Ukiyo-e. Người ta cho rằng các giá trị truyền thống của Nhật Bản về sự thuần khiết và tính giản dị được phản ánh ở hình thức và mầu sắc của hoa anh đào.

Theo quan niệm của người Nhật, hoa anh đào là loài hoa của người sinh ngày 8 tháng 3, nó có ý nghĩa là giai nhân tuyệt sắc. Nói đến hanami, người ta sẽ chỉ nghĩ ngay đến hoa anh đào. Vậy tại sao anh đào – sakura lại được người Nhật yêu quý đến vậy? Có rất nhiều lý do mà người Nhật thường hay liệt kê ra như: Cây sakura trưởng thành có thân cây cao lớn, nổi bật; Hoa đồng loạt nở rộ vào cùng một thời điểm nên rất ấn tượng, rực rỡ; hơn nữa hoa thường nở rộ trước khi lá xanh lại trên cây nên hoa lại càng dễ bắt mắt. Hoa nở rồi nhanh chóng tàn và rụng khiến cho thời kỳ sakura nở rộ càng thêm có ý nghĩa, đặc tính chóng tàn dường như cũng hợp với cách nghĩ chỉ dùng đồ trong thời gian ngắn để thay cái mới của người Nhật.

Đặc biệt thời điểm sakura nở rộ cũng là khi diễn ra lễ tốt nghiệp, nhập học, bắt đầu năm làm ăn mới của các công ty, vì thế mà sakura cũng dễ gắn bó với cuộc sống của người Nhật, để lại trong tâm trí họ ấn tượng mạnh nhất. Không có loài hoa nào lại được người ta chờ đợi sự ra hoa, khoe sắc của nó nhiều như sakura. Sắp đến mùa anh đào nở rồi! là câu nói rất hay được người ta nhắc đến mỗi dịp xuân về, cho thấy sự chờ đợi từ rất lâu của người Nhật đối với sakura, loài hoa mà họ yêu quý.

Người Nhật phân tích hoa anh đào của họ rất khác với hoa hồng của người phương Tây, tập trung vào ba điểm:

- Hoa anh đào không đẹp rực rỡ, ngạt ngào hương thơm và có gai nhọn như hoa hồng. Điều đó nói lên vẻ đẹp tinh khiết, trong sáng và không chứa đựng những sự “hiểm ác” của anh đào.

- Hoa anh đào không thể đẹp nếu đứng độc lập một mình, mà chỉ đẹp khi nở rộ thành tảng mây hoa. Chính hình ảnh này đã gửi gắm thông điệp: con người không thể mạnh khi đứng một mình, mà cần phải biết biểu dương sức mạnh của cộng đồng. Thông điệp này đã làm nên khối sức mạnh hùng cường của võ sĩ đạo Nhật Bản, cũng như góp phần giúp Nhật Bản vực dậy sau một thời gian khủng hoảng kinh tế và thảm bại của chiến tranh, trở thành cường quốc như ngày nay. Quả thật, nếu biết phát huy sức mạnh của dân tộc, biết liên kết vạn người như một thì nguyên khí ấy sẽ là tài sản vô cùng quý báu của quốc gia.

- Hoa anh đào khi héo không như hoa hồng, cố gắng bấu víu vào đài hoa, mà chỉ cần một cơn gió thoảng qua, những cánh hoa sẽ nhẹ nhàng lìa cành. Bên cạnh đó, loại hoa này nở rồi tàn trong thời gian rất ngắn, chỉ khoảng một tuần. Đối với người Nhật, hoa anh đào đồng nghĩa với bản chất ngắn ngủi của chính cuộc sống cũng như vẻ đẹp thanh xuân.

Hoa anh đào rụng một cách khoan dung, buồn bã và hùng hồn. Khoan dung vì chỉ sau vài ngày nở sẽ là hoa bắt đầu héo; buồn là vì nó nhắc nhở đến cuộc đời mong manh và ngắn ngủi. Hùng hồn vì bông hoa có cuộc đời ngắn ngủi này đã khẳng định một nét thẩm mỹ đáng tự hào của người Nhật Bản rằng những gì đẹp trong thiên nhiên cũng như trong cuộc đời thường hiếm khi tồn tại lâu, rằng chính sự tàn phai sớm cũng là một nét đẹp, nó tắt lụi đúng đỉnh cao rực rỡ của mình, đã thể hiện một cái đẹp cao cả nhất.

Nhật Bản được gọi là "xứ sở hoa anh đào" không chỉ vì hoa anh đào trải từ miền Bắc xuống miền Nam mà còn hơn thế nữa, hoa anh đào là loại hoa gần gũi nhất với tâm linh người Nhật.

Tất cả điều ấy, đã làm cho hoa anh đào (bên cạnh hoa cúc) trở thành quốc hoa của Nhật Bản, tượng trưng cho dân tộc Nhật Bản và tinh thần Nhật Bản hàng thế kỷ nay (từ triều đại Nara).

Bích Dậu